Tọa đàm khoa học lần thứ nhất của Viện Lịch sử Dòng họ

logo
Tọa đàm khoa học lần thứ nhất của Viện Lịch sử Dòng họ
29/01/2025 11:40 PM

    Theo PGS – TS Võ Văn Lộc, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Dòng họ, Viện đã có kế hoạch tổ chức các buổi sinh hoạt khoa học định kỳ với mục đích cung cấp kiến khoa học, nâng cao năng lực cho các thành viên của Viện, đặc biệt là năng lực nghiên cứu khoa học, từ đó, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu của Viện.

    Nội dung buổi tọa đàm sáng 04/01/2025 gồm 4 báo cáo chất lượng. Mở đầu là bài báo cáo “Các chế định pháp luật liên quan đến gia đình – dòng họ và gia phả” do Luật gia Hoàng Long Vân – Phó Viện trưởng trình bày. Báo cáo viên đã dày công nghiên cứu một số bộ luật như Luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Hòa giải ở cơ sở… để từ đó phân tích một số nội dung liên quan đến các sinh hoạt của gia đình, dòng họ như quyền nhân thân, việc thừa kế, nghĩa vụ chăm sóc ông bà, cha mẹ, người có công nuôi dưỡng… bị chi phối bởi các chế định pháp luật.

    Báo cáo thứ hai của nhà nghiên cứu Lâm Hoài Phương đã giới thiệu truyền thuyết về sự hình thành họ Lâm từ thế kỷ XI TCN tại Trung Quốc và quá trình di cư, lập nghiệp tại Việt Nam của ông Tổ - người tạo lập chi họ Lâm định cư tại xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang hiện nay. Ông cũng giới thiệu những nét đặc sắc về cấu trúc, văn bia… của ngôi mộ cổ 130 năm của chi họ Lâm hiện tọa lạc ở xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.

    Kiến trúc sư Nguyễn Công Đức giới thiệu mô hình mộ tháp do Công ty của mình thiết kế. Mộ tháp gồm nhiều tầng, tương ứng với các chi, các đời của mỗi của chi họ. Qua báo cáo này, có thể thấy mô hình mộ tháp là một ý tưởng phù hợp với xu hướng đô thị hóa nông thôn ngày càng tăng, đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu tưởng nhớ tổ tiên của các chi họ.

    Báo cáo khoa học của PGS-TS Võ Văn Lộc đã tổng kết những nội dung quan trọng của 9 số tạp chí khoa học của Viện Lịch sử Dòng họ đã thực hiện. Theo đó, qua 9 số tạp chí đã xuất bản từ năm 2013 đến năm 2022, đã có 113 vấn đề được nêu ra xoay quanh 6 mảng nội dung với 7 chủ đề khác nhau, bước đầu đã hình thành hệ thống lý luận và thực tiễn, góp phần to lớn vào việc hình thành ngành Gia phả học như: Khái niệm gia phả, khái niệm dòng họ, khái niệm gia phả học theo cách hiểu của người Việt Nam; Truyền thống dân tộc, truyền thống gia đình, văn hoá, văn hoá gia đình, văn hoá dòng họ; Phương pháp giáo dục truyền thống dân tộc, truyền thống gia đình; Phương pháp xây dựng bộ gia phả hoàn chỉnh, hình thức của một gia phả, nội dung đầy đủ và hợp lý của một gia phả; Việc sử dụng gia phả để giáo dục truyền thống thông qua lễ hội; Việc lập bàn thờ gia tiên, nhà từ đường và gìn giữ ba báu vật của mỗi gia đình người Việt, phát huy truyền thống nhân văn thượng võ trong cốt cách mỗi người Việt….

    Qua bài báo cáo, PGS-TS Võ Văn Lộc cũng nêu lên những hạn chế của những báo báo khoa học trong tạp chí, đồng thời cũng đưa ra những nội dung cụ thể nhằm khắc phục, nâng cao chất lượng các số tạp chí tiếp theo.

    Sau các báo cáo của các diễn giả, các thành viên tham dự đã sôi nổi tham gia thảo luận. Nhiều vấn đề được nêu ra và thảo luận sôi nổi trên tinh thần khoa học, gợi mở những đề tài, những hướng nghiên cứu mới./.

    Zalo
    Hotline